Khi tinh dầu xá xị là tiền chất ma tuý

Ngày 28/4/2005, Công ty Dược liệu TW I, trụ sở ở Hà Nội, nhận lô hàng nhập khẩu tại cửa khẩu Xà Xía, tỉnh Kiên Giang, gồm 16,6 tấn tinh dầu xá xị, tổng trị giá 105.750 USD theo giấy phép số 405/TM/XNK của Bộ Thương mại. Điều đáng nói là theo giám định của các cơ quan chức năng, tinh dầu xá xị, thực chất là hóa chất hữu cơ Safrole – là loại không thể thiếu trong việc sản xuất, điều chế ma túy mà cụ thể là chế ra hợp chất MDMA (thường  gọi là thuốc lắc).

Đơn vị xuất hàng lô hàng này là Công ty Winco, địa chỉ ở số 220 Road, quận Poctop, Phnôm Pênh, Campuchia. Lô tinh dầu xá xị này sau đó được DLTW1 đưa về gửi tại kho ngoại quan, Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 4 (KV4), Cục Hải quan Tp.HCM. Theo quy định, nếu tinh dầu xá xị nhập về để sử dụng trong công nghiệp thực phẩm hoặc mỹ phẩm, thì Bộ Thương mại có quyền cấp giấy phép nhập khẩu.

Sẽ không có gì đáng nói nếu ngày 25/7, DLTW1 làm thủ tục kiểm tra lô hàng để tái xuất sang Trung Quốc cho Công ty IFF và đến lúc này, Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 sau khi giám định, đồng thời Phân viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cũng tiến hành giám định thì mới hay, cái gọi là tinh dầu xá xị, thực chất là hóa chất hữu cơ Safrole – là loại không thể thiếu trong việc sản xuất, điều chế ma túy mà cụ thể là chế ra hợp chất MDMA (thường  gọi là thuốc lắc).

Theo kết luận của cơ quan giám định, Safrole là tiền chất ma túy, nằm trong danh mục  các hóa chất quản lý chuyên ngành. Cũng đến lúc này, Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV4 còn phát hiện thêm, rằng DLTW1 đã nhập khẩu hàng hóa khi chưa có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời DLTW1 cũng không xuất trình được xuất xứ hàng hóa.

Từ trước đến nay, tinh dầu xá xị (còn gọi là gù hương – tên khoa học là Sassafras Oil) thường được điều chế từ cây xá xị trong thiên nhiên, hoặc tổng hợp bằng phương pháp hóa học. Người ta sử dụng nó làm hương liệu trong ngành chế biến thực phẩm như đồ uống, bánh kẹo, hoặc dùng làm mỹ phẩm như nước hoa, xà phòng (nhưng hiện nay rất nhiều nước đã cấm đưa tinh dầu xá xị vào thực phẩm).

Thành phần chính của tinh dầu xá xị là chất Safrole với hàm lượng khoảng 75% – tùy thổ nhưỡng nơi nó mọc. Theo từ điển Dược động học, thì Safrole dạng lỏng có màu vàng nhạt, công thức C10H10O2. Khi cho Safrole xúc tác với một axít cùng một số hợp chất hữu cơ khác ở nhiệt độ 2320C, sẽ thu được Metamphetamine (thuốc lắc) dưới dạng thô. Ở liều lượng bình thường, Safrole gây hưng phấn, làm tỉnh táo và sảng khoái toàn thân. Nhưng nếu sử dụng liều cao, nó sẽ gây ảo giác, đồng thời làm rối loạn chức năng thần kinh vận động cũng như làm giảm các phản xạ, đôi khi mất nhận thức. Vì thế, những người sử dụng thuốc lắc lúc “thấm” thuốc, thường “lắc” như… lên đồng!

Ngay từ năm 1998, các cơ quan chức năng đã đề nghị Chính phủ đưa chất này vào danh mục quản lý và năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/CP, trong đó tinh dầu xá xị được xếp vào dạng tiền chất ma túy. Tiếp theo, năm 2003, Nghị định 58/CP quy định thêm, rằng việc nhập hoặc vận chuyển quá cảnh tinh dầu xá xị đến quốc gia thứ ba, phải có giấy phép của cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Y tế, Bộ Công an hay Bộ Công nghiệp.

Như vậy, vấn đề ở đây là DLTW1, thay vì nhập tinh dầu xá xị như đã được phép của Bộ Thương mại (với hàm lượng Safrole là 75%) để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, thì họ lại nhập Safrole nguyên chất (hàm lượng 95%). Trong buổi làm việc với Đội Kiểm soát Hải quan – Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV 4, ông Vũ Quang Giai, Phạm Ngọc Chương, Quách Ngọc Vinh, là cán bộ Phòng Xuất nhập khẩu, DLTW1 cho biết, lô hàng “tinh dầu xá xị” được Ban giám đốc DLTW1 trực tiếp đàm phán và ký kết hợp đồng qua điện thoại, qua fax với Công ty Winco.

Trong các cuộc đàm phán này, cả DLTW1 và Công ty Winco đều thống nhất lô hàng nhập khẩu là chất Safrole phải có hàm lượng trên 95%, và những cán bộ Phòng Xuất nhập khẩu của DLTW1 không biết pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc nhập khẩu, vận chuyển, quá cảnh với hàng hóa là tiền chất ma túy! Nhưng, nếu căn cứ vào tinh thần Công văn số 10239 của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, ký ngày 24/12/1998, do chính DLTW1 đưa ra, trong đó Bộ Y tế đề nghị Chính phủ cho ngừng thu mua tinh dầu xá xị sản xuất trong nước, cũng như đưa tinh dầu xá xị vào danh mục quản lý chuyên ngành, thì những nhà lãnh đạo DLTW1 hẳn thừa biết tinh dầu xá xị chính là tiền chất ma túy, và lô hàng mà họ đã nhập về, không đúng với giấy phép của Bộ Thương mại. Một số cán bộ của DLTW1 còn cho biết, công ty đã nhiều lần xuất đi nước thứ 3 “tinh dầu xá xị”, mua từ Campuchia và Lào.

Trở lại vấn đề thủ tục nhập lô hàng “tinh dầu xá xị” qua cửa khẩu Xà Xía, thì tờ khai tạm nhập số 01/TN/XX được DLTW1 mở ngày 1/5/2005, nhưng biên bản giao hàng lại được ký vào ngày 28/4/2005 (?!). Trả lời về sự khác biệt thời gian này, DLTW1 cho biết khi nhập hàng qua cửa khẩu Xà Xía, họ đề nghị mở tờ khai tạm nhập nhưng Hải quan cửa khẩu Xà Xía trả lời là không cần vì đã trao đổi với Hải quan kho ngoại quan KV 4, Tp. HCM rồi.

Tuy nhiên, ngày 27/5/2005, lúc DLTW1 đăng ký tờ khai tái xuất lô hàng “tinh dầu xá xị” cho Công ty IFF, Trung Quốc thì Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn phát hiện DLTW1 không có hồ sơ tạm nhập tại Hải quan cửa khẩu Xà Xía. Vì thế, Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn đã yêu cầu DLTW1 liên hệ với Hải quan Xà Xía, để làm lại tờ khai tạm nhập. Tuy nhiên ông Trần Minh Tiến – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Xà Xía cho biết, ban đầu Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn KV 4 làm thủ tục chuyển khẩu lô tinh dầu xá xị nói trên về kho ngoại quan Cảng Sài Gòn. Vì thế, Hải quan Xà Xía đã tiến hành chuyển khẩu theo quy định của Bộ Tài chính. Hơn một tháng sau đó, khi DLTW1 không làm thủ tục xuất được, thì lúc ấy Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn mới có văn bản đề nghị Hải quan Xà Xía làm thủ tục… tạm nhập!

Như thế, việc nhập khẩu 16,6 tấn “tinh dầu xá xị” – mà thực chất là tiền chất ma túy Safrole, đã không được DLTW1 làm thủ tục nhập khẩu theo quy định, cũng như không chứng minh được xuất xứ của nó từ đâu, ngoại trừ nơi bán là Công ty Winco!

Hiện tại, Cục Hải quan Tp. HCM đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân Tp. HCM, để trao đổi về hình thức xử lý hành chính hay hình sự, đồng thời Đội Kiểm soát Hải quan cũng đề nghị cần xác minh làm rõ việc mua bán, vận chuyển chất Safrole giữa Công ty Winco Campuchia, Công ty DLTW1 và Công ty IFF Trung Quốc vì không loại trừ khả năng các tổ chức sản xuất ma túy quốc tế đứng đằng sau, để rồi khi Safrole trở thành thuốc lắc, nó sẽ quay ngược lại Việt Nam, hủy hoại con người..

Nguồn: http://cand.com.vn/Kinh-te/Khi-tinh-dau-xa-xi-la-tien-chat-ma-tuy-9410/