Giới thiệu nhà máy lọc dầu dung quất

 Giới thiệu các hạng mục công trình của Nhà máy lọc dầu Dung Quất – Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam

 I. GIỚI THIỆU CHUNG.

 1. Địa điểm và diện tích sử dụng:

 Địa điểm: Nhà máy được xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất, thuộc địa bàn các xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

 

 

 Sơ đồ mặt bằng bố trí NMLD Dung Quất

 

 Diện tích sử dụng: Khoảng 956 ha (bao gồm cả 140 ha mở rộng trong tương lai) bao gồm 485 ha mặt đất và 471 ha mặt biển, trong đó (hiện tại): Khu nhà máy chính 110 ha; Khu bể chứa dầu thô 42 ha; Khu bể chứa sản phẩm 43,83 ha; Khu tuyến dẫn dầu thô, cấp và xả nước biển 17 ha; Tuyến ống dẫn sản phẩm 77,46 ha; Cảng xuất sản phẩm 135 ha và Hệ thống phao nhập dầu không bến, tuyến ống ngầm dưới biển và khu vực vòng quay tàu 336 ha.

 2. Công suất chế biến và nguyên liệu:

 Công suất chế biến: 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 148.000 thùng/ngày. Sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng:  8,5 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 192.000 thùng/ngày.

 Nguyên liệu:

 – Giai đoạn 1: Chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ – Việt Nam (hoặc dầu thô tương đương).

 – Giai đoạn 2: Chế biến dầu chua.

 3. Cấu hình công nghệ:

 

 

 

 4. Quy trình hoạt động của Nhà máy lọc Dầu:

 Dầu thô được nhập vào nhà máy lọc dầu để chế biến thông qua hệ thống phao rót dầu một điểm neo (SPM) có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 80.000 đến 150.000 tấn (Sau khi nâng cấp, mở rộng 300.000 tấn) và đường ống dẫn dầu từ phao đến khu bể chứa dầu thô dài khoảng 4,2km.

 Dầu thô được bơm vào khu bể chứa dầu thô gồm 08 bể có dung tích bằng nhau mỗi bể là 65.000m3.  Sau đó dầu thô được bơm vào tháp chưng cấp khí quyển có Công suất 140 ngàn thùng một ngày để tách thành các phân đoạn như: Gas, Naptha, Kerosen, Gas oil nặng và nhẹ và cặn khí quyển.

 Khí Gas được đưa đến phân xưởng chế biến Gas và thu hồi Propylene để cho ra khí hóa lỏng và Propylene đưa qua nhà máy Polypropylene để chế biến hạt nhựa.

 Naptha được đưa đến các phân xưởng công nghệ để nâng cao chỉ số octan phối trộn xăng.

 Kerosen được đưa đến phân xưởng xử lý kerosen để cho ra nhiên liệu phản lực Jet A1 và dầu hỏa.

 Gas oil nặng và nhẹ được đưa đến các phân đoạn xử lý cho ra dầu diesel.

 Cặn khí quyển được đưa đến phân xưởng xử lý để cho ra các sản phẩm: xăng, diesel, dầu nhiên liệu…

 Toàn bộ các phân xưởng công nghệ và phụ trợ của Nhà máy được điều hành tại Nhà điều khiển trung tâm thông qua hệ thống điều khiển phân tán DCS hiện đại có chức năng điều khiển, giám sát, ghi nhận, lưu trữ và hiển thị dữ liệu về quá trình vận hành của Nhà máy.

 Để phục vụ cho các phân xưởng công nghệ hoạt động, NMLD có 10 phân xưởng phụ trợ như Nhà máy điện, các phân xưởng cung cấp khí nén và khí điều khiển, hóa chất, nước làm mát, nước cứu hỏa và nước sinh hoạt, khí nhiên liệu, dầu nhiên liệu, phân xưởng xử lý nước thải…

 Các sản phẩm từ khu vực công nghệ được đưa đến chứa tại khu bể chứa trung gian, tại đây các sản phẩm được kiểm tra chất lượng và phối trộn với tỉ lệ hợp lý trước khi đưa ra khu bể chứa sản phẩm bằng đường ống dài khoảng 7 km.

 Các sản phẩm của nhà máy được chứa trong 22 bể chứa thành phẩm và xuất bán bằng đường bộ và cảng xuất bằng đường biển để xuất bán tất cả các sản phẩm của Nhà máy.

 Cảng xuất sản phẩm bằng đường biển đặt trong vịnh Dung Quất cách Khu bể chứa sản phẩm khoảng 3 km. Cảng xuất sản phẩm bằng đường biển xuất các sản phẩm qua 6 bến xuất cho tàu có trọng tải từ 1.000 đến 30.000 tấn.

 Nhằm ngăn sóng, bảo vệ khu Cảng xuất sản phẩm của NMLD và các công trình khác trong vịnh Dung Quất, một Đê chắn sóng được xây dựng với tổng chiều dài gần 1.600m, mặt đê rộng  11 m, chiều cao đê so với mặt nước biển từ 10 đến 11m.

 5. Cơ cấu sản phẩm:

 

 Tên sản phẩm Nghìn tấn/năm
Propylene 135 – 150
Khí hóa lỏng (LPG) 400 – 420
Xăng RON 92 1.000 – 1.200
Xăng RON A95 1.100 – 1.300
Dầu hỏa/nhiên liệu bay Jet A1 200 – 300
Dầu Diesel ôtô 2.400 – 2.600
Dầu nhiên liệu (FO) 100 – 130
Polypropylene 135 – 150
Lưu huỳnh 1,5 – 2

 6. Tổng mức đầu tư:

 + Theo Quyết định 514/QĐ-TTg ngày 10/7/1997 (giai đoạn tự đầu tư từ năm 1997 đến 1999): Tổng mức đầu tư là 1,5 tỷ USD;

 + Theo Theo Quyết định 560/CP-DK ngày 21/6/2001 của Chính phủ (giai đoạn liên doanh với Nga): Tổng mức đầu tư cho dự án là 1,297 tỷ USD không bao gồm phí tài chính;

 + Theo Quyết định 546/QĐ-TTg ngày 17/6/2005 (Giai đoạn trở lại hình thức tự đầu tư): 2,501 tỷ USD;

 + Theo Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 17/8/2009 (sau khi hoàn thành công tác xây dựng và chạy thử nhà máy): Phê duyệt tổng mức đầu tư là 3,053 tỷ USD.

 

 II. GIỚI THIỆU CÁC HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH.

 1. Phao rót dầu SPM và tuyến ống dẫn dầu thô:

 

 

 Vận hành nhập dầu thô tại SPM của NMLD Dung Quất

 

 – Đường kính phao: 12m.

 – Chiều cao phao: 5m (phần chìm là 3,75m, phần nổi là 1,25m).

 – Công suất của phao: Được thiết kế nhập dầu thô với công suất 6.000 m3/h.

 – Công suất hệ thống thông rửa bằng thoi (pig): 1300 m3/h.

 Dầu thô được bơm từ tàu chở dầu qua phao SPM, hệ thống ống phân phối (PLEM), đường ống dẫn dầu thô đến khu bể chứa dầu thô. Phao SPM có thể cập tàu có tải trọng 150.000 tấn. Đường ống dẫn dầu thô từ phao SPM vào khu bể chứa dầu thô dài khoảng 4,2 km, trong đó có đoạn đi ngầm dưới đáy biển là 3,2 km và đoạn đi ngầm trên bờ khoảng 1 km.

 

 

 Phao SPM nơi nhập dầu thô của NMLD Dung Quất tại vịnh Việt Thanh

 

 2. Khu bể chứa dầu thô:

 

 Thi công lắp dụng bể chứa dầu thô

 

 

 Khu bể chứa dầu thô NMLD Dung Quất

 

 Tổng số bể chứa dầu thô : 08 bể

 – Tổng dung tích xây lắp : 760.133 m3

 – Tổng dung tích làm việc : 520.000 m3

 Các bể chứa dầu thô có dung tích bằng nhau, đường kính 69,0 m, chiều cao 22,4 m. Bể được thiết kế mái nổi, vật liệu chế tạo bằng thép carbon. Trong khu bể chứa dầu thô còn có các hệ thống giá, bệ đỡ đường ống, trạm biến áp, trạm bơm dầu, hệ thống thu gom nước thải, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện cho trạm bơm và điện bảo vệ, các công trình phụ trợ khác.

 

 

 Khu bể chứa dầu thô NMLD Dung Quất

 

 3. Các phân xưởng công nghệ:

 + Các phân xưởng công nghệ (gồm 14 phân xưởng):

 – Phân xưởng chưng cất dầu thô ở áp suất khí quyển (CDU)

 – Phân xưởng xử lý Naphta bằng Hyđrô (NHT)

 – Phân xưởng reforming xúc tác liên tục (CCR)

 – Phân xưởng cracking xúc tác cặn dầu (RFCC)

 – Phân xưởng thu hồi Propylen (PRU)

 – Phân xưởng tái sinh Amine (ARU)

 – Phân xưởng xử lý LPG (LTU)

 – Phân xưởng xử lý nước chua (SWS)

 – Phân xưởng trung hòa kiềm (CNU)

 – Phân xưởng xử lý Kerosene (KTU)

 – Phân xưởng thu hồi Lưu huỳnh (SRU)

 – Phân xưởng xử lý Naphta của RFCC (NTU)

 – Phân xưởng đồng phân hóa Naphta  nhẹ (IZOMER hóa)

 – Phân xưởng xử lý LCO bằng Hydro (LCO-HTD)

 

 

 Công trường xây dựng các phân xưởng công  nghệ tháng 3/2007

 

 

 Nhập thiết bị Tháp tách chính cao Tháp tách chính T-1501 nặng 528 tấn, cao 68,28m, đường kính 8,99 m.

 

 

 Vận chuyển Tháp tách Propane/ Propylene T-2103 cao 81,3 m, nặng 460 tấn, đường kính nơi rộng nhất 9,15 m

 

 

 Thi công lắp dựng Tháp chưng cất dầu thô T- 1101 có đường kính 6,7m cao 41,84m, nặng 319 tấn.

 

 

 Thi công lắp dựng Phễu chứa xúc tác sạch D-1505 tại phân xưởng RFCC

 

 

 Thi công lắp đạt đường ống công nghệ NMLD Dung Quất

 

 

 Công trường xây dựng các phân xưởng công nghệ, tháng 7/2008

 

 

 Các phân xưởng công nghệ của NMLD Dung Quất

 

 Toàn bộ các phân xưởng công nghệ và phụ trợ của Nhà máy được điều hành tại Nhà điều khiển trung tâm thông qua hệ thống điều khiển phân tán DCS hiện đại có chức năng điều khiển, giám sát, ghi nhận, lưu trữ và hiển thị dữ liệu về quá trình vận hành của Nhà máy.

 

 

 Một góc Trung tâm điểu khiển (CCC) NMLD Dung Quất

 

 Để phục vụ cho các phân xưởng công nghệ hoạt động, Nhà máy có 10 phân xưởng phụ trợ như Nhà máy điện, các phân xưởng cung cấp khí nén và khí điều khiển, hóa chất, nước làm mát, nước cứu hỏa và nước sinh hoạt, khí nhiên liệu, dầu nhiên liệu, phân xưởng xử lý nước thải v.v. để đảm bảo quá trình hoạt động của các phân xưởng công nghệ và các hạng mục liên quan khác.

 4. Nhà máy điện và các trạm điện:

 Nhà máy điện có 4 tổ máy với tổng công suất là 108 MW và 4 nồi hơi có tổng công suất 784 tấn hơi/h ở nhiệt độ 505oC và 107 at- mốt-phe. Nhà máy điện là nguồn cung cấp hơi nước và điện sử dụng trong Nhà máy lọc dầu.

 

 

 Nhà máy điện

 

 5. Hệ thống nhập nước biển làm mát:

 Hệ thống bao gồm một đầu lấy nước biển nằm ngoài khơi, một bể chứa nước biển, ống dẫn nước biển, bơm nước biển, cụm nạp hypochlorite và đầu xả nước biển. Hệ thống được thiết kế nhằm: Cung cấp nước biển làm mát cho các Turbine Condenser của phân xưởng RFCC và của Nhà máy điện, và cung cấp nước biển làm mát cho phân xưởng nước làm mát.

 

 

 Thi công xây dựng hệ thống nhập nước biển làm mát

 

 

 Thi công lắp đặt đường ống dẫn nước biển làm mát

 

 6. Khu bể chứa trung gian:

 – Tổng số bể chứa trung gian : 23 bể

 – Tổng dung tích xây lắp : 336.727 m3

 Khu bể chứa trung gian dùng để chứa các sản phẩm trung gian và các sản phẩm sau khi pha trộn (bể kiểm tra) trước khi bơm ra khu bể chứa sản phẩm.

 

 

 Khu bể chứa trung gian

 

 7. Hệ thống ống dẫn sản phẩm:

 Hệ thống ống dẫn từ nhà máy tới khu bể chứa: Chiều dài khoảng 7 km, gồm 12 tuyến  ống (8 tuyến ống sản phẩm, 4 tuyến ống phụ trợ/dầu cặn), có kích cỡ từ 5,08 cm – 40,64 cm, để vận chuyển các sản phẩm như Xăng RON 92/95, Jet A1, dầu Diesel, FO, Propylene, LPG, nước công nghiệp, nước nồi hơi, nitơ và dầu thải.

 

 

 Sơn hoàn thiện hệ thống ống dẫn sản phẩm

 

 

 Hệ thống ống dẫn sản phẩm NMLD Dung Quất

 

 Hệ thống ống dẫn từ khu bể chứa sản phẩm tới khu vực xuất sản phẩm bằng đường biển: Chiều dài khoảng 3 km, có 15 tuyến ống (10 tuyến ống sản phẩm, 5 tuyến ống phụ trợ/dầu thải/nước dằn tàu), kích cỡ từ 5,08 cm – 76,2 cm để vận chuyển các sản phẩm như xăng Mogas 90, xăng Mogas 92/95, Jet A1, Auto diesel, FO, Propylene, LPG, nước cứu hỏa, nước dằn tàu, nước sinh hoạt, khí điều khiển và nitơ.

 8. Khu bể chứa sản phẩm:

 – Tổng số bể chứa sản phẩm : 22 bể

 – Tổng dung tích làm việc : 393.073 m3

 Khu bể chứa sản phẩm được chia thành 8 lô đất, mỗi lô bố trí từ 2-5 bể, các lô được ngăn cách bởi các đê chắn bằng đất đắp, mái đê được gia cường bằng bêtông cốt thép. Trong khu bể chứa sản phẩm còn có các hạng mục như trạm biến áp, trạm cứu hỏa, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, điều hòa thông gió, trạm xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác.

 

 

 Thi công lắp đặt bồn cầu chứa khí hóa lỏng (LPG)

 

 

 Bồn cầu chứa khí hóa lỏng (LPG) Khu bể chứa sản phẩm

 

 

 Khu bể chứa sản phẩm NMLD Dung Quất

 

 9. Trạm xuất sản phẩm bằng đường bộ:

 Trạm xuất cho xe bồn nằm ở phía Tây của khu bể chứa sản phẩm dùng để xuất các sản phẩm thông dụng như xăng Mogas 92/95, Mogas 90, Jet A1, Auto Diesel và FO.

 Trạm xuất được thiết kế với 2 giàn xuất, trên mỗi giàn lắp các cần xuất có thể phục vụ cho cả 2 phía của giàn xuất, trạm sẽ xuất được cùng lúc 4 xe. Trạm bơm cũng được thiết kế với diện tích dự phòng cho khu mở rộng trong tương lai.

 

 

 Trạm xuất sản phẩm bằng đường bộ

 

 10. Cảng xuất sản phẩm bằng đường biển:

 

 

 Công trường xây dựng Cảng xuất sản phẩm tháng 3/2007

 

 

 Thi công khoan, đóng cọc tại Cảng xuất sản phẩm

 

 

 Thi công đổ bê tông trụ đỡ ống công nghệ tại Cảng xuất sản phẩm

 

 Cảng xuất sản phẩm nằm trong khu vực vịnh Dung Quất sát phía trong của thân đê chắn sóng, có diện tích sử dụng khoảng 135 ha gồm mặt đất và mặt biển với quy mô như sau:

 – Hai bến xuất (số 1 và số 2) cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải từ 15.000 tấn đến 30.000 tấn, có thể mở rộng để tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất là 50.000 tấn.

 – Bốn bến xuất thành phẩm (số 3, 4, 5 và 6) cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải từ 1.000 tấn đến 5.000 tấn, có thể mở rộng để tiếp nhận tàu 30.000 tấn.

 – Hệ thống cầu dẫn ra các bến gồm các trụ cầu dẫn đỡ tuyến ống và một đường công vụ.

 – Tuyến luồng dẫn vào bến và vũng quay tàu.

 

 

 Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất

 

 11. Đê chắn sóng:

 Đê chắn sóng được xây dựng tại vịnh Dung Quất nhằm ngăn sóng, bảo vệ khu Cảng xuất sản phẩm của NMLD.

 – Chiều dài toàn đê: gần 1.600 m.

 – Chiều rộng trung bình của đê: 11 m.

 – Chiều cao đê so với mặt nước biển: khoảng 10 – 11 m.

 – Lõi đê : Đá các loại theo tiêu chuẩn quy định.

 – Vỏ ngoài đê : Phủ bằng cấu kiện Accropode.

 Việc xây dựng đê chắn sóng không những bảo vệ an toàn khu Cảng xuất sản phẩm, mà còn có tác dụng chắn sóng cho toàn bộ vịnh Dung Quất, đảm bảo hoạt động của các hạng mục như Bến số 1 của Cảng công vụ, các bến của Cảng tổng hợp, Cảng chuyên dụng và một số công trình biển khác của Khu kinh tế Dung Quất.

 

 

 Thi công xây dựng Đê chắn sóng

 

 

 Lắp đặt khối phá sóng Acropode Đê chắn sóng

 

 

 Công trường thi công xây dựng Đê chắn sóng

 

 

 Đê chắn sóng và Cảng xuất sản phẩm NMLD Dung Quất

 

 12. Khu nhà hành chính và điều hành:

 

 

 Khu xưởng bảo trì cơ khí

 

 Hạng mục nhà hành chính và điều hành nằm phía bắc của khu nhà máy chính, có tổng diện tích khoảng 10ha, trên cao trình san nền +11m, được quy hoạch trong khu vực không có nguy cơ cháy nổ. Bao gồm các hạng mục nhà hành chính, nhà bảo vệ, trạm y tế, trạm cứu hỏa, gara sửa chữa ôtô, nhà ăn, cửa hàng, nhà giặt là, xưởng bảo trì cơ khí, xưởng bảo trì điện, hệ thống thông tin liên lạc, kho bảo trì, đường giao thông, sân bãi, cây xanh, vườn hoa và hệ thống kỹ thuật kết nối với khu nhà máy chính.

 13. Nhà máy sản xuất Polypropylene:

 Nhà máy PP có công suất 150.000 tấn/năm sản phẩm nhựa homopolymer trên cơ sở 8.000 giờ vận hành mỗi năm, được xây dựng dựa trên công nghệ bản quyền Hypol-II của Tập đoàn hóa chất Mitsui, Nhật Bản.

 Nguyên liệu đầu vào là propylene, đây là một trong các sản phẩm của Nhà máy lọc dầu. Từ propylene, cùng với hydrogen và xúc tác, nhà máy sản xuất trên 30 loại sản phẩm nhựa homopolymer PP cho các ứng dụng khác nhau như đúc (injection molding), thổi (blow molding), phim (film), và sợi (fibre), đáp ứng một phần nhu cầu nhựa PP thị trường nội địa.

 

 

 Dây chuyền đóng bao hạt nhựa Polypropylene

 

 

 Khánh thành và gắn biển công trình Nhà máy Polypropylene

 

 

 Toàn cảnh Nhà máy sản xuất Polyproptlene

  

  

  

  

  

  

 Tag; tuyển thua lỗ nhaà