PNO – Cho rằng sản phẩm thủ công, nguyên chất sẽ an toàn, các bà nội trợ đua nhau mua máy về tự ép dầu ăn trong gia đình mà không hề biết rằng dầu ép thủ công rất dễ nhiễm độc, tạp chất nếu không được xử lý đúng.
Cơn sốt máy ép dầu
Trước đây, thị trường chỉ bán các loại máy ép dầu công nghiệp có giá thành đắt đỏ, từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/máy. Người tiêu dùng muốn ăn dầu nguyên chất phải tìm mua sản phẩm từ những cơ sở ép thủ công hoặc mua qua mạng với giá không hề rẻ, khoảng 150.000đ/lít dầu phộng, 300.000 lít/dầu mè. Trong khi đó, người mua không hề biết sản phẩm có an toàn và đã được kiểm định chất lượng hay chưa.
Một năm trở lại đây, thị trường xuất hiện loại máy ép dầu cầm tay mini khiến các bà nội trợ điên đảo. Họ tranh thủ sắm loại máy ép này để có thể tạo ra đủ loại dầu mình cần.
Tại công ty N.N (đường số 45, Q.Gò Vấp), chúng tôi được giới thiệu một loại máy ép dầu có tên NNF – 800A được cho nhập từ Thái Lan có giá 5,5 triệu đồng/máy. Theo tư vấn của nhân viên, máy này rất đa năng, có thể ép được nhiều nguyên liệu như đậu phộng, mè, ừa, óc chó, hướng dương, đậu nành, gấc, chùm ngây… Mặc dù máy nhỏ nhưng công suất ép rất tốt, trong 1 giờ có thể ép được 3,5 ký đậu, 4 ký mè hoặc 8 trái dừa. Máy sẽ ép được >95% lượng dầu trong hạt, chẳng hạn 1 ký đậu ép được 0,5 lít dầu; 1 ký mè ép được 0,4 lít; 6 –8 quả dừa sẽ ép được 1 lít.
Thoạt nhìn kiểu dáng của sản phẩm này khá đẹp mắt, nhỏ gọn (chỉ 5,5 ký), có ba màu sắc: xanh ghi, đỏ ghi, trắng ghi. Sản phẩm gồm hai phần: thân và trục máy. Theo quảng cáo, thân máy chứa động cơ được làm bằng nhựa chịu nhiệt, có khả năng chống bụi, xước. Phần trục nghiền làm bằng thép không gỉ nên dễ lau chùi. Máy hoạt động liên tục trong 2 giờ, sau đó phải nghỉ từ 30 phút đến 1 giờ rồi mới tiến hành ép tiếp.
“Máy này có công nghệ hiện đại, khi ép dầu ăn ở nhiệt độ 180 độ C nên ép xong dầu đã chín, có thể sử dụng ngay và bảo quản ở nhiệt độ thường đến 1 năm, không giống 1 số loại máy phải đun dầu lên khi ép xong” – một nhân viên tại công ty này tư vấn.
Qua tìm hiểu, hiện trên thị trường có nhiều dòng máy ép dầu mini cầm tay, xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, với giá dao động từ 4,5 – 6 triệu đồng/sản phẩm nhưng lại được người bán quảng cáo nhập từ Đức, Nhật dễ khiến người mua ngộ nhận. Tại lazada.vn, máy ép dầu hiệu Green Machinery có giá 5.812.000đ/sản phẩm được quảng cáo nhập khẩu từ Đức nhưng trên sản phẩm lại có chữ “Made in China”, khi chúng tôi thắc mắc thì nhân viên cho biết: “động cơ máy được nhập khẩu từ Đức”.
Tại các điểm bán, nhân viên luôn tư vấn các phương án kinh doanh từ các loại máy ép này để thu hút người mua. “Hiện dầu phộng ép thủ công được bán trên thị trường có giá 150.000đ/ký, nhưng nay chị chỉ cần bỏ tiền ra mua 2 ký đậu (giá 25.000 – 30.000đ/ký) thì sẽ được 1 lít dầu, có thể một lời một. Nếu chị tìm được nguồn đậu có giá rẻ, chẳng hạn đậu từ Trung Quốc thì chị sẽ lời gấp hai, gấp ba. Trường hợp không muốn ép bán thì chị có thể ép mướn với tiền công 10.000đ/ký và trong thời gian ép 1 giờ chị sẽ kiếm được 200.000 – 240.000đ” – một nhân viên tại công ty V.Đ đường Lý Thường Kiệt, Q.11 nói với chúng tôi.
Trong khi đó, thực tế các loại máy này vận hành không êm giống quảng cáo. Chị Đào, ngụ Q.Gò Vấp cho biết, chị từng mua một máy ép có tên KD01, người bán quảng cáo máy này được xuất khẩu đi thị trường Châu Âu, EU và Mỹ nhưng xuất xứ thì của Trung Quốc. “Lúc mua họ quảng cáo chỉ cần ép 2 ký đậu sẽ cho ra 1 lít dầu do máy có khả năng ép kiệt dầu. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng đầu máy vận hành tốt, sau đó phải ép khoảng 2,5 – 3 ký mới ra đủ 1 lít dầu. Cứ ép khoảng 15 phút thì bị tắc kẹt, phải tháo máy ra vệ sinh lắp lại rồi mới ép được tiếp. Tình trạng tắc kẹt thường xuyên diễn ra nên tôi lười ép mà cứ để máy trùm mền” – chị Đào nói.
Tưởng an toàn nhưng nhiễm độc tố!
Hầu hết người tiêu dùng đều nghĩ dầu được ép nguyên chất tại nhà luôn an toàn. Tuy nhiên, thực tế dầu ép thủ công rất dễ nhiễm độc, tạp chất nếu không được xử lý đúng.
Thực tế trong thời gian qua, sản phẩm dầu ăn luôn được phát hiện chứa nhiều loại tạp chất gây hại cho sức khoẻ. Mới đây, cơ quan giám sát tiêu dùng Đặc khu hành chính Hồng Kông đã tiến hành kiểm tra 60 sản phẩm (SP) dầu ăn bán trên thị trường và phát hiện 46 mẫu chứa độc tố gây ung thư glycidol; 41 mẫu có chứa chất phthalates và tìm thấy chất gây nhiễm độc 3 – Monochloropropane (3 – MCPD).
TS Phan Thế Đồng, khoa Khoa học kỹ thuật, ĐH Hoa Sen cho biết dầu ép thủ công sẽ có nhiều rủi ro hơn dầu được sản xuất tại công ty. Chẳng hạn, nếu đậu dùng để ép có hạt thối, mốc sẽ sinh ra độc tố aflatoxin, độc tố này do nấm mốc sinh ra, chúng có khả năng gây ung thư rất cao, khi đã tan vào dầu thì không thể kiểm soát được. Trong quá trình ép thủ công, do tiếp xúc với không khí, nhiệt độ môi trường, dầu dễ bị oxy hoá hơn ép trong dây chuyền khép kín.
Hiện các loại dầu ép thủ công tại nhà hoặc rao bán trên thị trường thường được đựng trong các chai nhựa. Những chai này dễ bị thôi nhiễm các chất độc hại như Phthalates.
Đây là chất được sử dụng rộng rãi trong sản xuất ở hầu hết các lĩnh vực và sản phẩm, từ màng bao vỉ thuốc, chất ổn định trong sản phẩm thuốc cho đến các sản phẩm keo, nhựa, chất kết dính, điện tử, hoá chất phụ trợ nông nghiệp, vật liệu xây dựng, sản phẩm chăm sóc cơ, thiết bị y tế, chất tẩy rửa và hoạt động bề mặt, sản phẩm mỹ phẩm, bao bì, đồ chơi trẻ em, mô hình đất sét, sáp, sơn, mực in, sơn, dược phẩm, thực phẩm, và dệt may.
Do phthalates không tạo bất kỳ liên kết hóa học nào với nhựa nên các chất này rất dễ thoát ra ngoài sản phẩm nhựa chứa chúng để đi vào môi trường và cơ thể người, động vật, đặc biệt là khi sản phẩm nhựa bị lão hóa do thời gian sử dụng lâu hoặc do sự tác động của các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ánh sáng, …).
Thời gian qua có nhiều phát hiện trong dầu ăn chứa Phthalates là do nhiễm từ bao bì, can nhựa đi ra. Phthalates đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ có thai do có thể làm tăng các nguy cơ về sức khỏe: ung thư vú, gây rối loạn nội tiết, rối loạn sinh sản, rối loạn chuyển hóa, có thể gây sẩy thai, quái thai, sinh non, sinh non nhẹ cân, gây rối loạn hormone giới tính (làm trẻ em dậy thì sớm).
Chính vì vậy, các chất hóa dẻo họ phthalate được cấm sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, …
Thanh Hoa
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/dua-sam-may-ep-dau-thu-cong-tuong-an-toan-hoa-ra–a81153.html
Tag: tinh bưởi sả bơ